Skip to main content

Giới thiệu chung

GIỚI THIỆU CHUNG VỀ THỊ TRẤN ĐA PHƯỚC

Đa Phước là cửa ngõ huyện An Phú, cầu Cồn Tiên nối liền với thành phố Châu Đốc; phía Bắc giáp thị trấn An Phú, phía Tây giáp phường Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc), phía Đông giáp xã Vĩnh Trường, phía Nam giáp Phường Châu Phú A (TP. Châu Đốc). Diện tích tự nhiên 1.577 ha; trong đó diện tích nông nghiệp 1.119ha (lúa 960 ha, màu 159 ha). Thị trấn có 04 khóm; dân số có 4.620 hộ với tổng số nhân khẩu 16.855 người, trong đó số hộ sống bằng nghề nông chiếm tỷ lệ 75%. Dân cư gồm người Kinh chiếm tỷ lệ 88,80%, người Khmer chiếm tỷ lệ 0,45%, người Chăm chiếm tỷ lệ 9,92%, người Hoa chiếm tỷ lệ 0,83%). Thu nhập chính của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, trong đó hơn 70% hộ dân sống bằng nghề trồng lúa, chăn nuôi thủy sản, còn lại sinh sống bằng các ngành nghề, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ.

Tình hình kinh tế - xã hội của địa phương không ngừng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm đầu tư hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát huy, trình độ dân trí được nâng cao.

hinh

Đa Phước giáp ranh với Thành phố Châu Đốc, cách khoảng 2km là nơi phát triển mạnh các ngành nghề công nghiêp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ và du lịch tạo điều kiện thuận lợi cho thị trấn kêu gọi đầu tư triển khai nhiều dự án quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế, theo hướng giảm tỷ trọng các ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng trong ngành Thương mại - Dịch vụ và Du lịch góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nhân dân trong thời gian qua.

Địa bàn thị trấn nằm dọc đường Tỉnh 957, Quốc lộ 91C dài 13,3 km, cặp theo sông Hậu và sông Châu Đốc nên thuận lợi cả đường bộ lẫn đường sông; có làng bè, làng Chăm Đa Phước đã hình thành và phát triển 120 năm, Đình thần Đa Phước được công nhận di tích kiến trúc, nghệ thuật quốc gia và nhiều cơ sở thờ tự nên việc vận chuyển, trao đổi hàng hóa, điều kiện tiếp cận thông tin, giao lưu văn hóa và phát triển thương mại, du lịch được thuận tiện. Hệ thống kênh mương và giao thông nông thôn, giao thông nội đồng phát triển đồng bộ đáp ứng được yêu cầu đi lại, phục vụ sản xuất nông nghiệp.